Trang chủ > Tin tức, sự kiện

Hưởng ứng ngày Đái tháo đường thế giới (14/11) với chủ đề “Điều dưỡng với bệnh Đái tháo đường”

Ngày Đái tháo đường thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào 14/11/1991 đánh dấu ngày sinh của Frederick Banting, người đã cùng Charles Best đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra insulin, một phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân đái tháo đường vào năm 1922. Từ đó, hàng năm, Liên đoàn đái tháo đường Quốc tế (IDF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lấy ngày 14/11 hàng năm là ngày hưởng ứng đái tháo đường thế giới nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về đái tháo đường, các biến chứng.

Ngày Đái tháo đường thế giới năm 2020 với chủ đề Điều dưỡng với bệnh Đái tháo đường”. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Điều dưỡng chiếm 59% các chuyên gia y tế và có vai trò quan trọng trong:

- Chẩn đoán sớm bệnh tiểu đường để đảm bảo điều trị kịp thời.

- Đào tạo về quản lý bản thân và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh tiểu đường để giúp ngăn ngừa các biến chứng.

- Giải quyết các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường loại 2 để giúp ngăn ngừa tình trạng này

Ngày 16/7/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3087/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tiền đái tháo đường”.

 Link: http://trungtamytecampha.vn/chi-tiet-van-ban/110/Quyet-dinh-3087-QD-BYT-ngay-16-7-2020-ve-huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-tien-dai-thao-duong/

Theo đó: Tiền đái tháo đường (ĐTĐ) là tình trạng bệnh lý khi nồng độ glucose máu cao hơn bình thường nhưng chưa đạt tiêu chí chẩn đoán ĐTĐ, bao gồm những người rối loạn glucose máu lúc đói, hoặc rối loạn dung nạp glucose (RLDNG), hoặc tăng HbA1c. Tiền ĐTĐ là giai đoạn trung gian giữa người bình thường và ĐTĐ típ 2. Khoảng 5-10% người tiền ĐTĐ sẽ trở thành ĐTĐ hàng năm và tổng cộng 70% người tiền ĐTĐ sẽ thành ĐTĐ thực sự. Tiền ĐTĐ liên quan với các yếu tố nguy cơ giống như bệnh ĐTĐ: thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, ít hoạt động thể lực...

Cơ chế bệnh sinh: gồm nhiều yếu tố tác động bao gồm các gen nguy cơ, kháng insulin, tăng nhu cầu tiết insulin, ngộ độc glucose, ngộ độc lipid, rối loạn tiết/giảm hoạt động incretin, tích luỹ amylin, giảm khối lượng tế bào bê ta tuyến tuỵ… kết cục làm giảm chức năng tế bào bê ta tiến triển. Mức độ giảm tiết insulin và đề kháng insulin xuất hiện từ rất sớm, trước khi được chẩn đoán ĐTĐ khoảng 13 năm, và tăng dần theo thời gian. Do đó việc phát hiện sớm và can thiệp điều trị tích cực người mắc tiền ĐTĐ sẽ giúp giảm tỉ lệ mắc ĐTĐ típ 2 và dự phòng các biến chứng tim mạch và biến chứng khác do tăng glucose máu (cả tăng lúc đói và sau ăn).

Trong Bảng phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan, phiên bản lần thứ 10 (ICD10), tiền ĐTĐ có mã bệnh là: R73.0 Tỷ lệ mắc: Theo Liên đoàn ĐTĐ quốc tế (IDF) năm 2019 toàn thế giới có 373,9 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 có RLDNG (tương ứng với 7,5%). Dự báo đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên 548,4 triệu (8,6%), trong đó gần một nửa (48,1%) dưới 50 tuổi.

Ở Việt Nam, theo báo cáo của IDF 2019, tỉ lệ người bị RLDNG chiếm 8,6%, tương đương 5,3 triệu người, gấp 1,4 lần so với bệnh nhân ĐTĐ.

Bảng tiêu chí chẩn đoán tiền ĐTĐ:

Tiêu chí

Tiền ĐTĐ

Glucose huyết tương khi đói

5,6 – 6,9 mmol/L

(100 – 125 mg/dL)

Glucose huyết tương sau 2 giờ khi làm NPDNG 75g

7,8 – 11,0 mmol/L

(140 – 199 mg/dL)

HbA1c (định lượng theo phương pháp chuẩn)

5,7 – 6,4%

 

Lưu ý: HbA1c không có giá trị để chẩn đoán và theo dõi nếu có một trong các tình huống sau:

- Bệnh tế bào hình liềm

- Thai kỳ (3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ và giai đoạn hậu sản)

 - Thiếu glucose-6-phospate dehydrogenase,

 - Nhiễm HIV,

- Lọc máu.

- Mới bị mất máu hoặc truyền máu

- Đang điều trị với erythropoietin.

* Bộ Y tế khuyến cáo làm xét nghiệm để tầm soát, phát hiện ĐTĐ hoặc tiền ĐTĐ ở người lớn không có triệu chứng, biểu hiện lâm sàng:

+ Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào có thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2) và có kèm một trong số các yếu tố nguy cơ sau: Có người thân đời thứ nhất ( bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ ) bị ĐTĐ; Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch; Tăng huyết áp (HA ≥ 140/90 mmHg, hoặc đang điều trị THA); HDL cholesterol < 35 mg/dL (0,9mmol/l) và/hoặc triglyceride >250mg/dL (2,8mmol/l); Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang; Ít hoạt động thể lực; Các tình trạng lâm sàng khác liên quan với kháng insulin (như béo phì nặng, dấu gai đen (acanthosis nigricans).

+ Phụ nữ đã được chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ cần theo dõi lâu dài, xét nghiệm ít nhất mỗi 3 năm;

+ Tất cả mọi người từ tuổi 45 trở lên;

+ Nếu các kết quả bình thường, xét nghiệm sẽ được làm lại trong vòng 1- 3 năm sau hoặc ngắn hơn tùy theo kết quả ban đầu và các yếu tố nguy cơ.

Tham khảo thêm Bảng hỏi sàng lọc người có nguy cơ mắc tiền ĐTĐ và ĐTĐ trong Phụ lục 01 ban hành kèm theo Quyết định số 3087/QĐ-BYT ngày 16/7/2020, để đánh giá nguy cơ mắc Tiền ĐTĐ, ĐTĐ.

* Các phương pháp điều trị

- Thay đổi lối sống (Can thiệp dinh dưỡng, tăng hoạt động thể lực)

- Điều trị bằng thuốc

- Phẫu thuật (Cần hội chẩn và thực hiện theo chỉ định của các BS chuyên khoa)

Can thiệp lối sống vẫn là biện pháp quan trọng để điều trị, quản lý tiền ĐTĐ. Tùy từng trường hợp cụ thể mà áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp.

* Phòng bệnh:

- Lối sống tích cực:

+ Chế độ dinh dưỡng hợp lý:

Đối với người thừa cân, béo phì: Giảm cân bằng chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực thường xuyên là cốt lõi nhằm phòng chống ĐTĐ. Khuyến cáo áp dụng chế độ ăn giảm năng lượng, giảm chất béo, với mức giảm cân dần dần cho người thừa cân, béo phì. Khuyến cáo lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, nguyên hạt, giàu chất xơ, rau, hoa quả, không gia công chế biến công nghiệp, chất béo không no (dầu thực vật, cá). Bên cạnh chế  độ  ăn giảm tổng năng lượng, một số thực phẩm được chứng minh có thể giảm nguy cơ tiền ĐTĐ, ĐTĐ như các loại hạt, dâu, sữa chua, cà phê, trà được khuyến khích sử dụng. Ngược lại các thực phẩm cần hạn chế như thịt đỏ, đồ ngọt, nhiều đường, các thức ăn chứa mỡ bão hòa (động vật).

Với người không thừa cân, béo phì: không cần giảm cân, chỉ thay đổi sự lựa chọn thực phẩm như trên.

+ Tăng cường hoạt động thể lực:

Cần duy trì tập luyện và hoạt động thể lực với mức độ tập luyện cường độ trung bình 150 phút/tuần như đi bộ nhanh. Tối thiểu 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần. Mỗi lần không dưới 10 phút. Giảm thời gian ngồi tĩnh tại. Tăng cường hoạt động trong ngày, kết hợp các loại hình tập luyện: aerobic, đi bộ, thể dục dụng cụ… Lựa chọn bài tập và mức độ tuỳ từng cá thể. Tập luyện giúp tăng độ nhạy insulin, cải thiện lipid máu, giảm huyết áp, cải thiện kiểm soát glucose máu, giảm nguy cơ tim mạch, giảm cân, tăng lượng cơ, tăng sức bền thể lực. Tập luyện có tác dụng tốt cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi.

Lưu ý với người có bệnh tim mạch (cần được bác sỹ đánh giá bệnh tim mạch trước luyện tập).

- Thăm khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện và kiểm soát yếu tố nguy cơ tim mạch:

+  Tăng huyết áp

+  Rối loạn lipid máu

+  Hút thuốc lá: làm tăng nguy cơ bị ĐTĐ và biến cố tim mạch, vì  vậy việc đánh giá mức độ hút thuốc và ngừng hút thuốc là một phần trong công tác phòng  bệnh ĐTĐ.

 Mỗi người dân chúng ta: “Hãy kiểm soát bệnh đái tháo đường, ngay bây giờ. Tất cả vì sức khỏe của mỗi chúng ta, vì lợi ích cộng đồng"./.

TTGSK-TTYT TP Cẩm Phả



Các tin liên quan:
  Tuyên truyền Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú
  Tuyên truyền phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
  Tuyên truyền Luật căn cước
  Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống Sốt rét 25/4/2024
  Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024
  Hưởng ứng tuần lễ tiêm chủng năm 2024 với chủ đề “Tiêm chủng - Lá chắn bảo vệ sức khỏe cộng đồng”
  Bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm. Hãy hành động vì một hành tinh xanh.
  Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống bệnh Chagas 14/4
  Tập huấn chương trình phòng chống bệnh Ký sinh trùng, Sốt rét năm 2024
  Tập huấn chương trình phòng chống bệnh Dại năm 2024
  Đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú cho học sinh.
  Tập huấn cho cán bộ phụ trách công tác Dược tại Trạm Y tế
  THÔNG BÁO MỜI CHÀO GIÁ DỊCH VỤ TƯ VẤN
  Chi Đoàn TTYT tổ chức tọa đàm kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2024)
  THÔNG BÁO MỜI BÁO GIÁ DỊCH VỤ THẨM ĐỊNH GIÁ
   NỔI BẬT
Tuyên truyền Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú
Tuyên truyền phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tuyên truyền Luật căn cước
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống Sốt rét 25/4/2024
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024
Hưởng ứng tuần lễ tiêm chủng năm 2024 với chủ đề “Tiêm chủng - Lá chắn bảo vệ sức khỏe cộng đồng”
   ĐANG ONLINE
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM Y TẾ THÀNH PHỐ CẨM PHẢ
Chịu trách nhiệm chính: Vũ Đức Phan - Giám đốc Trung tâm
Cơ quan chủ quản: Sở Y tế Tỉnh Quảng Ninh
Giấy phép xuất bản: Số 86/GPTTĐT-STTTT ngày 19/10/2022 của Sở Thông tin truyền thông
Địa chỉ: Số 445 đường Trần Phú, Cẩm Trung, Cẩm Phả. Quảng Ninh
Điện thoại: 02033.862.285 / Fax: 02033.862.048
Email: vanthu.ttyttpcp@gmail.com