Trang chủ > Tin tức, sự kiện

“Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng!”, và “Thông điệp K=K”

1. Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng 1.1. Chấm dứt dịch AIDS là như thế nào? Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn tới trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc xây dựng Chiến lược mới là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phù hợp với tình hình mới. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS.

Kết thúc dịch AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà kết thúc dịch AIDS có nghĩa là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Mục tiêu kết thúc dịch AIDS là khi Việt Nam đạt được các tiêu chí sau:

- Số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm. - Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS <1/100.000 dân

- Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con <2%

Để có thể chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, cả cộng đồng hãy cùng hành động để kết thúc đại dịch AIDS, có nghĩa mỗi chúng ta cần chung tay để trong thời gian không lâu nữa, Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12) sẽ là một dịp để 2 Việt Nam nói riêng, cả thế giới nói chung ghi nhận và tự hào về thành tựu lịch sử: Chấm dứt HIV/AIDS để cuộc sống tốt đẹp hơn.

1.2. Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong thanh niên

Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng.  Đó chính là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022. Tình hình dịch HIV/AIDS đang ảnh hưởng mạnh lên nhóm tuổi trẻ, trong số liệu giám sát phát hiện hàng năm, nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam.

Để nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về HIV/AIDS cho thanh viên cần có sự góp sức của đoàn thanh niên các cấp trong việc chủ động triển khai các hoạt động truyền thông phù hợp với điều kiện của từng đơn vị mình. Thông qua các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt qua mạng internet.

Đối với thanh niên là học sinh, sinh viên: Tăng cường cung cấp thông tin về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác hại của ma túy; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ thông qua các tiết ngoại khóa, các hội thảo, nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi viết về HIV/AIDS, các hoạt động sân khấu; lồng ghép trong các buổi mít tinh, các sự kiện truyền thông tại các trường trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Tăng cường truyền thông về chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của học sinh, sinh viên.

Đối với thanh niên là công nhân, người lao động: Tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên các kênh thông tin, truyền thông của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các doanh nghiệp, tập trung vào một số nội dung: hiểu biết về HIV/AIDS và các biện pháp phòng tránh; tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV... Tổ chức phân phát ấn phẩm truyền thông, các hội thảo, sự kiện và các hình thức truyền thông phù hợp khác về phòng, chống HIV/AIDS tại các công ty thuộc các khu công nghiệp có nhiều nam công nhân của một số tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS, đặc biệt ở các khu công nghiệp lớn./.

KHẨU HIỆU CỦA THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG AIDS NĂM 2022

  1. Cộng đồng chung tay - Kết thúc ngay dịch AIDS!
  2. Tuổi trẻ sáng tạo - hành động vì một Việt Nam không còn AIDS!
  3. Tuổi trẻ chung vai, vì ngày mai không còn HIV/AIDS!
  4.  Xét nghiệm là cách duy nhất để biết tình trạng nhiễm HIV của bạn!
  5. Xét nghiệm HIV sớm là để bảo vệ chính mình và người thân!
  6. Tuân thủ điều trị ARV để đạt được K=K!
  7. Người có hành vi nguy cơ cao nên xét nghiệm HIV định kỳ 6 tháng 1 lần. 
  8. Điều trị ARV sớm giúp khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV!
  9. Tham gia bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị HIV/AIDS liên tục suốt đời!
  10. Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con!
  11. Hãy sử dụng bao cao su để bảo vệ cho bạn và người thân!
  12. Dùng riêng bơm kim tiêm sạch giúp phòng lây nhiễm HIV!
  13. Dự phòng và điều trị HIV/AIDS – Không để ai bỏ lại phía sau!
  14. PrEP giúp bạn dự phòng lây nhiễm HIV!
  15. Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS!
  16. Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2022!
  17. Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022!

2. Thông điệp K=K

Thông điệp K=K mang hy vọng cho người sống chung với HIV. Thông điệp giúp  người sống chung với HIV - cùng với bạn tình và gia đình họ - hiểu rằng điều trị ARV sớm, hiệu quả và liên tục cho phép người sống chung với HIV sống lâu, khỏe mạnh, có con, không bao giờ phải lo lắng về việc lây truyền HIV cho bạn tình của họ.

Không phát hiện = Không lây truyền

 

K=K  là viết tắt của thông điệp "Không phát hiện = Không lây truyền". Điều này có nghĩa rằng nếu người sống chung với HIV uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ, đạt được và duy trì tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml máu) thì không có nguy cơ lây truyền virus HIV sang bạn tình âm tính qua đường tình dục. Tải lượng vi rút là số lượng vi rút trong mẫu máu xét nghiệm của người sống chung với HIV. Nhìn chung, tải lượng virút càng cao, khả năng lây truyền HIV càng cao. Thuốc ARV có thể làm giảm tải lượng vi rút của người nhiễm xuống thấp đến mức không thể đếm được khi xét nghiệm.

Nếu xét nghiệm mà có kết quả dương tính với HIV, hãy đăng ký ngay vào chương trình và bắt đầu điều trị ARV càng sớm càng tốt. Dùng thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Một khi tải lượng vi rút trong máu đạt dưới ngưỡng phát hiện trong 6 tháng, thì bạn không thể lây truyền HIV cho bạn tình.

Một người sống chung với HIV giữ được tải lượng virút không thể phát hiện trong ít nhất sáu tháng thì không thể lây truyền HIV cho bạn tình ngay cả khi họ quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su. Việc quan hệ tình dục với một người biết đã nhiễm HIV nhưng đang điều trị ARV và có tải lượng virút không phát hiện thì an toàn hơn nhiều so với quan hệ tình dục với người sống chung với HIV mà họ không hề biết tình trạng nhiễm của mình, hoặc người biết mình bị nhiễm HIV nhưng không điều trị ARV.

Hãy xét nghiệm HIV để biết tình trạng nhiễm của mình. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì điều trị HIV ngay, giữ sức khỏe tốt và ngăn ngừa lây truyền HIV. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì đây là cơ hội để thảo luận về những cách để không bị lây nhiễm, như sử dụng bao cao su, uống thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) hàng ngày hoặc dùng thuốc dự phòng sau phơi nhiễm khẩn cấp (PEP).

Những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhưng chưa bị nhiễm HIV nên sử dụng PrEP.

Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) áp dụng cho người HIV âm tính khi có nguy cơ lây nhiễm HIV. Về mặt y tế, dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) không cần thiết cho người HIV âm tính khi người bạn tình dương tính không phát hiện virus trong hơn 6 tháng và vẫn tuân thủ điều trị tốt. Tuy nhiên, người nhiễm HIV âm tính có thể cân nhắc dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) nếu: Người bạn tình dương tính với HIV có thể có những khó khăn về tuân thủ điều trị; người bạn tình âm tính có quan hệ tình dục với bạn tình khác; người bạn tình âm tính cảm thấy an toàn hơn trong cuộc sống tình dục khi có thêm sự bảo vệ của PrEP.

Ngoài ra, khuyến khích sử dụng bao cao su song song với PrEP vi bao cao su ngoài việc dự phòng lây nhiễm HIV, còn dự phòng được cho cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (STIs) và có thai ngoài ý muốn.
Hãy kiểm tra thường xuyên các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục có thể không biểu hiện triệu chứng, nhưng có thể làm tăng tải lượng vi rút của người sống chung với HIV, hoặc làm cho vi rút dễ dàng xâm nhập vào cơ thể người HIV âm tính.

 

            Nguồn:  CDC Quảng Ninh

  Người sưu tầm: Tô Hoài Thu CBCT PC HIV/AIDS - TTYT TP Cẩm Phả

 



Các tin liên quan:
  Tuyên truyền Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú
  Tuyên truyền phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
  Tuyên truyền Luật căn cước
  Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống Sốt rét 25/4/2024
  Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024
  Hưởng ứng tuần lễ tiêm chủng năm 2024 với chủ đề “Tiêm chủng - Lá chắn bảo vệ sức khỏe cộng đồng”
  Bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm. Hãy hành động vì một hành tinh xanh.
  Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống bệnh Chagas 14/4
  Tập huấn chương trình phòng chống bệnh Ký sinh trùng, Sốt rét năm 2024
  Tập huấn chương trình phòng chống bệnh Dại năm 2024
  Đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú cho học sinh.
  Tập huấn cho cán bộ phụ trách công tác Dược tại Trạm Y tế
  THÔNG BÁO MỜI CHÀO GIÁ DỊCH VỤ TƯ VẤN
  Chi Đoàn TTYT tổ chức tọa đàm kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2024)
  THÔNG BÁO MỜI BÁO GIÁ DỊCH VỤ THẨM ĐỊNH GIÁ
   NỔI BẬT
Tuyên truyền Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú
Tuyên truyền phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tuyên truyền Luật căn cước
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống Sốt rét 25/4/2024
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024
Hưởng ứng tuần lễ tiêm chủng năm 2024 với chủ đề “Tiêm chủng - Lá chắn bảo vệ sức khỏe cộng đồng”
   ĐANG ONLINE
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM Y TẾ THÀNH PHỐ CẨM PHẢ
Chịu trách nhiệm chính: Vũ Đức Phan - Giám đốc Trung tâm
Cơ quan chủ quản: Sở Y tế Tỉnh Quảng Ninh
Giấy phép xuất bản: Số 86/GPTTĐT-STTTT ngày 19/10/2022 của Sở Thông tin truyền thông
Địa chỉ: Số 445 đường Trần Phú, Cẩm Trung, Cẩm Phả. Quảng Ninh
Điện thoại: 02033.862.285 / Fax: 02033.862.048
Email: vanthu.ttyttpcp@gmail.com