Hưởng ứng Ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam 10/8
Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau vẫn hằn sâu kể từ ngày Mỹ bắt đầu phun rải chất da cam xuống lãnh thổ Việt Nam. 63 năm trôi qua, chất độc dioxin vẫn còn tồn lưu trong đất đai, trong máu, trong sữa mẹ, mỡ người, trong gan, trong mỡ động vật… Nhiều cánh rừng nguyên sinh, nhiều loại cây, động vật quý hiếm đã bị tuyệt chủng, môi trường sống của muôn loài bị suy thoái, cân bằng sinh thái bị phá vỡ. Với tất cả những ai đã từng bị phơi nhiễm chất da cam, là nạn nhân của chất độc da cam. Tất cả họ đã phải hứng chịu hậu quả khủng khiếp. Cùng với đó, nhiều căn bệnh hiểm nghèo vẫn tiếp tục xảy ra cho những thế hệ con cháu. Đó chính là tội ác mà Mỹ đã gây ra ở Việt Nam, trở thành nỗi đau không thể xoa dịu.
Chất độc da cam (tiếng Anh: Agent Orange - Tác nhân da cam) là tên gọi của một loại chất thuốc diệt cỏ và làm rụng lá cây được quân đội Hoa Kỳ sử dụng tại Việt Nam trong Chiến dịch Ranch Hand, một phần của chiến tranh hóa học của Hoa Kỳ trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Chất này được quân đội Mỹ và đồng minh sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam để làm trụi cây cối, hoa màu nhằm làm lộ ra các con đường vận tải, các căn cứ quân sự của chúng ta, phá huỷ mùa màng, làm cho chúng ta không có lương thực dự trữ.
Trong thời gian chiến tranh tại Việt Nam (từ năm 1961 đến năm 1971), Mỹ đã sử dụng 44 triệu lít chất độc màu da cam (có khoảng 76 - 80 triệu lít chất diệt cỏ đã được rải ở miền Nam Việt Nam) khoảng 1/4 diện tích toàn miền Nam Việt Nam, trong đó chủ yếu là chất độc da cam có chứa 366 kg chất dioxin. Chất độc dioxin là một chất độc cực mạnh, rất bền vững, khó phân hủy, tồn tại rất lâu trong môi trường, làm cho đất và nước bị ô nhiễm nặng, cây rừng bị hủy diệt. Chất độc dioxin không chỉ gieo rắc cái chết mà nó còn để lại những di chứng cho nhiều thế hệ sau của người bị nhiễm.
Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều hoạt động chính sách đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam; góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về tính chất nguy hiểm, hậu quả lâu dài của thảm họa da cam đối với môi trường và con người Việt Nam; vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tiếp tục giúp đỡ nạn nhân da cam về vật chất và tinh thần; tạo sự quan tâm, ủng hộ dư luận trong nước và quốc tế đối với cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai là tâm nguyện của dân tộc Việt Nam sau chiến tranh. Tuy nhiên 63 năm trôi qua, nỗi đau da cam của người Việt Nam vẫn còn đó. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã làm hết sức mình để khắc phục hậu quả của chiến tranh, xoa dịu được phần nào nỗi đau cho những nạn nhân chất độc da cam, đem lại cho họ niềm tin lớn hơn vào cuộc sống.
Nguồn: Trang thông tin điện tử
|