NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH TAY CHÂN MIỆNG
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh tay chân miệng là bệnh do siêu vi trùng đường ruột gây nên xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hoá hoặc do tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh. Có thể gây biến chứng nặng như: suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng:
+ Sốt cao 39-40 độ, uống thuốc hạ sốt không hiệu quả, hoặc sốt nhẹ nhưng liên tục trong 48h không cắt sốt.
+ Nôn ói, mắc ói liên tục, biếng ăn, chảy nước miếng
+ Thở mệt, ngủ li bì
+ Vã mồ hôi lạnh
+ Loét miệng, đau họng, phát ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, có thể phát ban trên mông, đầu gối, cùi chỏ, phát ban toàn thân.
Bệnh tay chân miệng có xu hướng bùng phát trong khoảng 2 chu kỳ: tháng 4-6, tháng 9-12. Bệnh tay chân miệng ở trẻ đa số là tự lành, tuy nhiên ở một số trẻ có biến chứng khá nặng vì virus tấn công vào hệ hô hấp và tuần hoàn có thể gây tổn thương đến tim, khó thở.
Chế độ chăm sóc trẻ khi bị bệnh tay chân miệng: bệnh hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắcxin phòng ngừa do đó cách chăm sóc chủ yếu là hỗ trợ triệu chứng và theo dõi biến chứng. Trường hợp sốt thì sẽ uống thuốc hạ sốt, chế độ ăn bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, thường xuyên tắm rửa, mặc trang phục thoáng mát.
Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng: vì đây là bệnh về tiêu hoá nên cách phòng ngừa quan trọng nhất là về vệ sinh:
+ Giữ cho môi trường sạch sẽ
+ Lau nhà thường xuyên
+ Rửa đồ chơi cho trẻ mỗi ngày
+ Khử khuẩn khu vực trẻ chơi mỗi tuần
+ Hướng dẫn trẻ thường xuyên vệ sinh tay và vệ sinh tay người chăm sóc cho trẻ.
+ Hạn chế cho trẻ tiếp xúc bên ngoài
Bệnh rất khó phân biệt có thể nhầm lẫn với bệnh Sởi, Thuỷ đậu. Không được tự ý dùng thuốc, đắp lá cho trẻ. Khi có những dấu hiệu trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở Y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, đề phòng những biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Phòng Tổ chức hành chính
|