Cách phòng chống ngộ độc rượu
Rượu được điều chế từ Ethanol (ethyl alcohol, C2H5OH), tạo ra từ quá trình lên men đường (nguồn gốc duy nhất của loại ethanol dùng làm thực phẩm), cellulose hoặc tinh bột được tổng hợp hóa học trong công nghiệp được dùng làm thực phẩm (rượu uống, bia, dấm…) và nhiều mục đích khác (dùng để sát trùng, dung môi…) hoặc rượu tự nấu. Rượu được sản xuất trong công nghiệp đã được khử các chất độc còn rượu tự nấu không thể khử chất độc. Ethanol dễ dàng được hấp thu qua đường tiêu hóa (80% được hấp thu ở ruột non). Nếu dạ dày rỗng, nồng độ đỉnh của ethanol đạt được sau uống là 30 - 60 phút. Chuyển hóa ethanol chủ yếu tại gan, chỉ 2 - 15% ethanol được đào thải qua hơi thở, nước tiểu và qua da dưới dạng không đổi. Sau uống, nồng độ ethanol có thể đạt mức trên 100mg/dL, nồng độ này giảm khoảng 15 - 30mg/dL/h. Ethanol phân bố dễ dàng vào các môi trường có nước, dễ dàng qua hàng rào máu não, tan rất ít trong mỡ và gắn rất kém với protein.
Loại rượu tự pha chế nguy hiểm nhất là loại có chứa Methanol (methyl alcohol, CH3OH). Đây là cồn công nghiệp (dùng trong công nghiệp) với nhiều cộng dụng khác nhau (làm sơn, lau chùi véc ni, dung môi…), hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Nếu uống rượu tự pha chế bằng methanol, sau khi uống, methanol được hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hóa (nồng độ đỉnh đạt được sau 30 – 90 phút) gây ngộ độc rất nhanh và nặng. Methanol có thể hấp thu qua da và đường hô hấp.

Nên hạn chế uống rượu, khi muốn uống thì:
- Chỉ uống các loại rượu có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng, có tem chứng nhận của các cơ quan chức năng.
- Không uống rượu tự pha chế, rượu tự ngâm với lá, rễ cây, động vật… mà không rõ thành phần, xuất xứ, công dụng.
- Không uống rượu có hàm lượng methanol >0,1%.
- Không nên uống quá nhiều rượu. Tốt nhất, mỗi người chỉ nên uống 1 đơn vị rượu/ngày. Cụ thể, chỉ nên uống 300-350ml bia (nồng độ 4%), 150-200ml rượu sâm banh (nồng độ 11%), 50ml rượu có màu (nồng độ 17-20%) và chỉ nên uống 25ml rượu trắng (nồng độ 35-40%).
- Không uống rượu khi đang đói.
- Không uống rượu kèm với các loại nước có gas.
- Tuyệt đối không uống rượu khi đang sử dụng các loại thuốc như: thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương, thuốc có tác dụng phụ ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc hạ huyết áp, thuốc hạ đường huyết, các nhóm kháng sinh cephalosporin, nhóm phenicol (chloramphenicol), nhóm azol (metronidazol, ketocanzol), thuốc kháng viêm không steroid thế hệ cũ.
Xử lý khi bị ngộ độc rượu
Khi gặp người bị ngộ độc rượu, cần tìm cách gây nôn để nạn nhân nôn hết, nhằm tránh chất độc ngấm và tích tụ trong cơ thể. Có thể cho nạn nhân uống trà đặc, sữa nóng để tăng khả năng thải độc của cơ thể. Lưu ý không cho bệnh nhân uống thuốc chống nôn và uống paracetamol vì có thể khiến tình trạng ngộ độc nặng hơn.
Sau đó, cởi bớt quần áo, khăn, thắt lưng, để nạn nhân nằm nghiêng nơi thoáng mát nhưng không có gió lùa. Trong trường hợp nạn nhân có các biểu hiện bị ngộ độc nặng thì phải đưa đến bệnh viện cấp cứu càng nhanh càng tốt.

Trương Thị Hải Yến
Khoa ATTP – XN – Trung tâm Y tế thành phố Cẩm Phả.
|