Một số biện pháp đề phòng nấm độc
Nấm là một loại thực phẩm dinh dưỡng, bồi bổ sức khoẻ vừa là một loại thuốc quý có thể chữa được nhiều bệnh nan y. Nhiều loại nấm chúng ta thường sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày có thể kể đến như nấm hương, nấm rơm, nấm kim châm, nấm sò, nấm tai mèo…dùng làm thuốc như nấm linh chi.
Nấm độc là loại nấm có chứa các độc tố gây ngộ độc cho cơ thể con người và động vật khi ăn phải. Nấm độc thường có mầu sắc sặc sỡ và một số loại nấm độc cũng giống như nấm thường.
Để phòng chống ngộ độc nấm, Trung tâm Y tế thành phố Cẩm Phả khuyến cáo người dân:
- Không ăn nấm rừng và nấm mọc tự nhiên khi không biết đó là nấm độc hay nấm không độc. Kiểm tra nấm thật kỹ trước khi nấu, khi biết chắc chắn nấm ăn được mới được ăn
- Tuyệt đối không dùng nấm lạ, kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ bộ phận, nấm độc nhất cũng có thể bị nhầm với nấm ăn được do trong một vài giai đoạn phát triển chúng giống nhau.
- Không hái nấm non để ăn vì chưa thấy hết đặc điểm, cấu tạo của nấm nên không xác định rõ nấm đó có độc hay không.
- Không ăn nấm quá già.
- Không ăn loại nấm khi cắt, vết cắt có rỉ ra chất trắng như sữa.
- Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu, vì nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Tốt nhất nên dùng nấm trong vòng 12 giờ sau khi thu hái. Khi chế biến nấm tốt nhất là nên luộc sôi trước khi xào, nấu để giảm bớt độc tính.
- Khi mua nấm ở chợ tốt nhất nên mua loại đã từng ăn, mua ở những cơ sở uy tín, cần kiểm tra, giám sát có đồng nhất về chủng loại và mầu sắc, có lẫn nấm độc không, tuy nhiên cũng phải nấu chín mới ăn. Nhất thiết phải loại bỏ các loại nấm lạ và có hiện tượng phát quang.
- Khi ăn nấm không nên uống rượu, có một số nấm không độc nhưng có chứa những thành phần gây ra phản ứng hoá học với thành phần trong rượu gây ngộ độc.
Xử trí ngộ độc nấm
80% bệnh nhân tử vong nếu đến cấp cứu muộn, điều đó khâu cấp cứu ban đầu các ca ngộ độc nấm rất quan trọng. Trong khi chờ vận chuyển cấp cứu, bằng mọi biện pháp phải loại nhanh chất độc ra khỏi cơ thể bằng các chât gây nôn hoặc dùng thuốc giải độc có tác dụng làm giảm hoặc trung hoà chất độc (than hoạt tính). Cụ thể:
- Gây nôn bằng cách móc họng hoặc dùng bàn chải đánh răng thọc sâu vào họng cho buồn nôn, nôn cho đến khi ra nước trong mới thôi. Nếu bệnh nhân tiêu chảy nhiều gây mất nước, phải bù nước bằng cách cho uống dung dịch oresol.
- Uống than hoạt tính: uống 30g than hoạt tính ( 2 thìa canh) với 1-2 cốc nước ( có thể cho ít đường trắng cho dễ uống).
Than hoạt tính sẽ hấp thu chất độc , chuyển vào phân để tống ra ngoài. Nếu không có than hoạt tính thì mua viên carbogast hặc carbophos 400mg/viên để uống. Nếu nạn nhân hôn mê bất tỉnh, cần đưa đi cấp cứu ngay tại cơ sở y tế gần nhất.
Nếu người bệnh hôn mê, co giật phải cho nằm nghiêng. Nếu người bệnh thở yếu , ngừng thở thì hà hơi, thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu tại chỗ.
Lưu ý sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở cấp cứu kịp thời.
Mọi người đừng chủ quan nghĩ sau khi sơ cứu đã hết triệu chứng nôn, đau và tiêu chảy là hêt ngộ độc, cần nằm tại viện để theo dõi thêm vì có thể sau 3-4 ngày, các biểu hiện suy gan, suy thận mới bộc lộ.
Trương Thị Hải Yến - Khoa ATTP – XN
|