TRUNG TÂM Y TẾ THÀNH PHỐ CẨM PHẢ TỔ CHỨC CHIẾN DỊCH TẨY GIUN CHO HỌC SINH TIỂU HỌC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẨM PHẢ NĂM 2022.
Nhằm làm giảm tỷ lệ nhiễm, giảm các gánh nặng bệnh tật do giun truyền qua đất ở học sinh tiểu học tại thành phố Cẩm Phả và triển khai chiến dịch tẩy giun năm 2022 đảm bảo an toàn, chất lượng theo Quyết định số 6437/QĐ-BYT ngày 25/10/2018 của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn tẩy giun đường ruột tại cộng đồng”.
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế Quảng Ninh, ngày 28/9/2022, Trung tâm Y tế thành phố Cẩm Phả đã ban hành Kế hoạch số 1530/KH-TTYT “V/v Triển khai hoạt động tẩy giun cho học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Cẩm Phả năm 2022”. Với mục tiêu > 85% số học sinh tiểu học trong toàn thành phố được uống thuốc tẩy giun trong chiến dịch tẩy giun đồng loạt năm 2022.
Loại thuốc tẩy giun lần này: Vermox (Mebendazole 500mg); tổng số thuốc đã cấp: 18.550 viên (do Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cấp). Thuốc này ức chế hấp thu đường của giun, dẫn đến sự thiếu năng lượng cần cho đời sống của giun, làm cho giun bị chết dần và đào thải theo phân từ 3-7 ngày sau khi uống thuốc.
Trong ngày 11/10/2022, Trung tâm Y tế thành phố Cẩm Phả đã phối hợp với 16 Trạm Y tế xã, phường và 22 trường tiểu học tiến hành triển khai tẩy giun đồng loạt cho học sinh tiểu học tại 16/16 xã, phường trên toàn thành phố.
Một số hình ảnh tại chiến dịch
Sau đây là một vài thông tin về tình hình bệnh giun và cách phòng ngừa:
Nhiễm giun là bệnh thường gặp ở các nước nằm trong vùng khí hậu nóng ẩm, các nước nghèo khó khăn, trong đó có Việt Nam. Ai cũng có thể bị nhiễm giun, đặc biệt trẻ em và học sinh là dễ bị nhiễm giun nhất. Các triệu chứng của bệnh nhiễm giun thường không rầm rộ như nhiều bệnh khác, nên chưa được cộng đồng quan tâm đúng mức. Tuy nhiên ít ai biết rằng, nhiễm giun ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, trí tuệ và sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Vì sao chúng ta nhiễm giun và nhiễm theo con đường nào?
Các loại giun thường gặp bao gồm: giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim. Song nhiễm giun ở trẻ em thường gặp là giun đũa, giun tóc và giun kim. Giun sống trong đường ruột của con người, hàng ngày đẻ ra rất nhiều trứng, trứng theo phân người ra ngoài đất phát triển rồi quay lại nhiễm bệnh cho người khác và chính mình.
Trẻ em có thể bị nhiễm giun qua đường ăn uống: Do ăn thức ăn không sạch, chưa nấu chín kỹ, uống nước lã, ăn các loại rau và hoa quả chưa được rửa sạch; qua nguồn nước không vệ sinh; qua sinh hoạt hàng ngày như: không cắt móng tay chân, nghịch đất, ngồi lê la trên đất, đưa đồ chơi bẩn vào miệng, cầm nắm thức ăn không rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện; qua cả nguồn không khí bị ô nhiễm, do thiếu nguồn nước sinh hoạt…
Tác hại gây nên bởi các bệnh giun truyền qua đất phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Số lượng giun ký sinh.
- Thời gian nhiễm lâu hay mới.
- Cơ quan nhiễm.
- Sức đề kháng của người bị nhiễm.
- Tình trạng dinh dưỡng của cơ thể.
Giun sống trong ruột người gây tác hại như thế nào?
Giun ở trong ruột hút máu và chất dinh dưỡng đồng thời tiết ra độc tố làm cơ thể chúng ta bị mất máu, thiếu chất dinh dưỡng, xanh xao, vàng vọt, gầy yếu, chậm phát triển, kém thông minh. Giun gây đau bụng, buồn nôn, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm khác như: Tắc ruột, lồng ruột do giun, giun chui ống mật, gây viêm ruột thừa,...
Để phòng ngừa nhiễm giun chúng ta phải thực hiện tốt những việc sau:
- Cần được tẩy giun định kỳ cho cả gia đình tối thiểu 6 tháng 1 lần (1 năm 2 lần).
- Chống phát tán mầm bệnh ra ngoài môi trường bằng cách giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường như:
+ Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi đại tiện.
+ Luôn cắt móng tay sạch sẽ, không cắn móng tay.
+ Luôn đi giày, dép, không nghịch đất, không ngồi lê la trên đất.
+ Không đại tiện, tiểu tiện, phóng uế bừa bãi.
+ Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường, lớp, chỗ học tập sạch sẽ.
- Không ăn: thức ăn ôi thiu, chưa nấu chín, hoa quả chưa rửa sạch, không uống nước lã.
Các bệnh giun truyền qua đất được coi là bệnh xã hội trầm trọng ở nước ta hiện nay. Tác hại do nó gây nên là rất lớn, ảnh hưởng không ít tới sức khỏe nhân dân, đặc biệt là trẻ em. Để phòng chống bệnh này trước hết cần làm cho toàn dân hiểu rõ những đặc điểm lây truyền và tác hại của bệnh để mọi người tích cực và tự giác tham gia vào các hoạt động phòng, chống. Chỉ có sự quan tâm và tham gia của toàn xã hội thì chương trình phòng, chống các bệnh giun đường ruột mới thực sự có hiệu quả./.
Khổng Thế Lực - YTCC TTYTCP
|